PSL Research University của Pháp lần đầu xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng đại học trẻ (dưới 50 tuổi) của Times Higher Education (THE).
Bảng xếp hạng Đại học trẻ (Young University Rankings) được THE công bố hàng năm. Các trường góp mặt đều có tuổi đời từ 50 năm trở xuống, được THE xếp hạng dựa trên các tiêu chí tương tự khi xếp hạng đại học thế giới. 13 chỉ số đánh giá được chia thành năm nhóm gồm giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), nghiên cứu (30%), trích dẫn khoa học (30%), triển vọng quốc tế (7,5%), thu nhập nhờ chuyển giao công nghệ (2,5%).
Theo các tiêu chí này, năm trường đứng đầu cụ thể như sau:
- Paris Sciences et Lettres – PSL Research University Paris (Pháp)
PSL lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng đại học dưới 50 tuổi của THE. Đây là đại học tổng hợp được thành lập vào năm 2010 với mục đích trở thành một trong những trường nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ban đầu, trường được tạo thành từ năm tổ chức nhưng sau đó đã phát triển thành 25 tổ chức nghiên cứu và học thuật tự quản.
Trụ sở chính của PSL nằm ở khu phố Latin của Paris. Trường đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu từ Pháp và đã phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đại học New York (Mỹ), Cambridge (Anh), Thanh Hoa (Trung Quốc), Viện Công nghệ Technion Israel cùng nhiều trường khác.
- Đại học Công nghệ Nanyang – NTU (Singapore)
NTU là một trong những đại học châu Á được xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng thế giới. Trường được thành lập vào năm 1991. Khuôn viên chính nằm ở Jurong và trường còn có thêm một cơ sở ở Novena.
NTU có 25.000 sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia, đồng thời có quan hệ chặt chẽ với nhiều trường trên toàn cầu như Đại học Hoàng gia London (Anh), Stanford (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc).
- Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong – HKUST (Hong Kong)
Đúng như tên gọi, HKUST tập trung vào việc cung cấp cho sinh viên nền giáo dục chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trường luôn trong nhóm dẫn đầu danh sách đại học tốt nhất Hong Kong.
Thành lập năm 1991, đến nay trường đã nhận được hàng loạt giải thưởng về khoa học và công nghệ. Hiện, trường có hơn 10.000 sinh viên theo học, trong đó 31% là sinh viên quốc tế.
- Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan)
Đây là trường đại học nghiên cứu công lập ở thành phố Rotterdam của Hà Lan. Trường gồm hai viện, một trường đại học và bảy trường thành viên, giảng dạy ở các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học xã hội và hành vi, lịch sử, văn hóa và truyền thông, chính sách và quản lý y tế, triết học, quản lý.
Với năm cơ sở trên cả nước, trường có gần 29.000 sinh viên, trong đó 22% là sinh viên quốc tế.
- Đại học Bách khoa Hong Kong (Hong Kong)
Trường được thành lập năm 1937 và được công nhận là trường đại học chính thức vào năm 1994. Trường được hình thành từ tám khoa và trường thành viên gồm: khoa học ứng dụng và dệt may, kinh doanh, xây dựng và môi trường, thiết kế, kỹ thuật, khoa học xã hội và sức khỏe, quản lý khách sạn và du lịch, nhân văn.
Bách khoa Hong Kong hợp tác với hơn 240 học viện trên khắp thế giới để tạo điều kiện trao đổi sinh viên.
Năm 2022, có 539 trường đại học được THE xếp hạng và 251 trường cung cấp dữ liệu nhưng không đáp ứng tiêu chí để được xếp hạng. Việt Nam có bốn trường được xếp hạng gồm Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 98), Duy Tân (122), Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 301-350) và Đại học Quốc gia TP HCM (nhóm 401+).
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng các đại học thế giới (THE-QS) vào năm 2004, sử dụng dữ liệu do QS cung cấp. Từ năm 2010, THE ngừng hợp tác với QS và tạo ra một bảng xếp hạng mới, hợp tác với Thomson Reuters – đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu để xếp hạng.
Hồi tháng 9/2021, THE công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2022. Việt Nam có năm trường góp mặt gồm Đại học Tôn Đức Thắng, Duy Tân (cùng trong nhóm 401-500), Đại học Quốc gia Hà Nội (1.001-1200), Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội (cùng trong nhóm 1.201+).